1. Vị trí dạ dày
Dạ dày là đoạn phình to nhất của ống tiêu hóa, phần trên nối với thực quản qua lỗ tâm vị, còn phần dưới nối với tá tràng qua lỗ môn vị. Dạ dày là 1 tạng trong phúc mạc, nằm ở tầng trên mạc treo kết tràng ngang, vùng thượng vị và ô dưới hoành trái.
Dạ dày có chức năng cơ bản là dự trữ và tiêu hóa thức ăn. Đây cũng được biết đến là đoạn đầu của ruột non. Khi đối chiếu lên thành bụng, dạ dày thuộc vùng thượng vị, hạ sườn trái và rốn. Dạ dày có hình chữ J, nhưng với khả năng co giãn tốt nên tạng này có hình dạng thay đổi tùy theo tư thế, thời điểm thăm khám, có đang chứa thức ăn hay không,... Thể tích dạ dày khoảng 2 - 2.5 lít hoặc hơn.
2. Giải phẫu dạ dày
Giải phẫu sinh lý dạ dày gồm các bộ phận như sau:
2.1 Giải phẫu dạ dày: Hình thể ngoài
Dạ dày có 2 mặt là mặt trước và mặt sau. Dạ dày có 2 bờ: Bờ cong vị lớn bên trái, có khuyết tâm vị nằm ngăn cách đáy vị với thực quản; bờ cong vị bé bên phải có khuyết góc là ranh giới giữa thân vị và môn bị.
Về hình thể ngoài, dạ dày được chia thành các phần sau:
- Tâm vị: Diện tích khoảng 5 - 6cm2, có lỗ tâm vị thông với thực quản. Lỗ tâm vị của dạ dày không có cơ thắt hoặc van, chỉ có 1 nếp gấp niêm mạc ngăn cách giữa dạ dày và thực quản;
- Đáy vị: Nằm phía trên mặt phẳng đi qua lỗ tâm vị, bình thường ở đây chứa không khí;
- Thân vị: Là phần dạ dày dưới đáy vị, giới hạn dưới là mặt phẳng xiên đi qua phần khuyết góc. Thân vị chứa các tuyến tiết ra Pepsinogen và Axit clohydric (HCl);
- Môn vị: Gồm có hang môn vị hình phễu tiết ra Gastrine và phần ống môn vị có các cơ rất phát triển. Môn vị nằm bên phải của đốt sống thắt lưng 1, có lỗ môn vị liên thông với tá tràng. Lỗ môn vị có 1 cơ thắt. Khi cơ này phì đại có thể gây bệnh co thắt môn vị phì đại, hay gặp ở trẻ sơ sinh.
Hình ảnh giải phẫu dạ dày
2.2 Giải phẫu dạ dày: Hình thể trong
Cấu tạo bên trong dạ dày gồm 5 lớp: Lớp thanh mạc, tấm dưới thanh mạc, lớp cơ (3 lớp cơ nhỏ hơn là: Cơ dọc, cơ chéo, cơ vòng), lớp hạ niêm mạc và lớp niêm mạc. Đặc điểm các lớp trong dạ dày như sau:
- Lớp thanh mạc: Nằm ở ngoài cùng, thuộc lá tạng phúc mạc;
- Tấm dưới thanh mạc: Là tổ chức liên kết rất mỏng, gần như dính chặt vào lớp cơ, trừ phần ở gần 2 bờ cong vị;
- Lớp cơ: Là lớp thích ứng với việc nhào trộn thức ăn trong dạ dày. Lớp cơ có cấu tạo gồm: Cơ dọc (liên tục với các thớ cơ dọc của thực quản và tá tràng, dày nhất, chạy dọc theo bờ cong vị nhỏ), cơ vòng (bao kín toàn bộ dạ dày, đặc biệt là ở môn vị), cơ chéo (lớp không hoàn toàn, chạy quanh đáy vị, đi chéo xuống dưới về phía bờ cong lớn dạ dày);
- Lớp hạ niêm mạc (tấm dưới niêm mạc): Là tổ chức liên kết rất lỏng lẻo, dễ bị xô đẩy;
- Lớp niêm mạc: Là lớp lót bên trong dạ dày.
Dạ dày được nuôi dưỡng bởi động mạch bắt nguồn từ thân tạng, tạo nên 2 vòng cung: 1 vòng cung lớn chạy dọc theo bờ cong lớn, 1 vòng cung nhỏ chạy dọc theo bờ cong nhỏ. Đặc điểm động mạch dạ dày như sau:
- Vòng động mạch bờ cong nhỏ dạ dày: Do động mạch vị phải (nhánh của động mạch gan) và động mạch vị trái (nhánh của động mạch thân tạng) tạo nên. Ngoài ra, còn có các động mạch vị ngắn, động mạch cho tâm vị và thực quản, động mạch đáy vị sau;
- Vòng động mạch bờ cong lớn dạ dày: Tạo thành bởi động mạch vị mạc nối phải (nhánh động mạch vị tá tràng thuộc nhánh động mạch gan chung) và vị mạc nối trái (thuộc nhánh động mạch lách). Ngoài ra, còn có các động mạch vị ngắn, động mạch thân vị,...
Hệ thần kinh: Dạ dày được chi phối bởi dây thần kinh phế vị và một số nhánh của đoạn tủy (phần đối giao cảm). Phần giao cảm gồm các sợi giao cảm từ các hạch giao cảm thắt lưng và ngực.
Bạch huyết của dạ dày: Được dẫn lưu về 3 nhóm: Các nốt bạch huyết dạ dày (nằm dọc theo bờ cong vị bé), các nốt bạch huyết vị - mạc nối (nằm dọc vòng mạch bờ cong vị lớn) và các nốt bạch huyết tụy lách (nằm ở mạc nối vị lách).
Dạ dày là một trong những cơ quan nội tạng quan trọng nhất của cơ thể
3. Chức năng dạ dày
Theo các chuyên gia giải phẫu dạ dày, cơ quan này thực hiện 4 chức năng chính gồm:
- Chức năng tiêu hóa: Axit HCl trong dạ dày có tác dụng hoạt hóa các men tiêu hóa, điều chỉnh đóng/mở môn vị, kích thích tụy bài tiết dịch. Chất nhầy đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ lớp niêm mạc không bị tổn thương do dịch vị. Bên cạnh đó, Pepsinogen và HCl giúp phân chia protein thành các polypeptid; yếu tố nội sinh giúp hấp thụ vitamin B12. Dạ dày cũng sản xuất secretin - nội tiết tố kích thích bài tiết dịch tụy;
- Chức năng vận động: Trương lực dạ dày, áp lực trong lòng dạ dày khoảng 8 - 10cmH2O. Áp lực này sinh ra nhờ sự co bóp thường xuyên của lớp cơ trong dạ dày;
- Chức năng bài tiết: Trung bình 1 ngày dạ dày bài tiết khoảng 1 - 1.5 lít dịch vị, protein của huyết tương (albumin, globulin miễn dịch), các enzyme pepsinogen, pepsin, glycoprotein, yếu tố nội sinh và axit;
- Chức năng nhu động: Thức ăn đi vào dạ dày mất khoảng 5 - 10 phút thì dạ dày mới bắt đầu có nhu động. Nhu động bắt đầu từ phần giữa của thân dạ dày, càng đến gần tâm vị thì mức nhu động càng mạnh và sâu hơn. Sau đó, cứ 10 - 15 giây sẽ có 1 sóng nhu động lặp lại. Sau đó, quá trình nhào trộn thức ăn cùng dịch vị được diễn ra, đồng thời nghiền nhỏ thức ăn, tống xuống ruột.