Chat hỗ trợ
Chat ngay

HUYỆT NGOÀI KINH: VÙNG LƯNG - VÙNG BỤNG

.

.

Huyệt ngoài kinh là những huyệt không thuộc vào 12 kinh chính và 2 mạch Nhâm, Đốc. Huyệt ngoài kinh thường có vị trí ở ngoài các đường kinh; nhưng cũng có một số huyệt nằm trên đường đi của các kinh mạch chính, song không phải là huyệt của kinh mạch đó. *Mỗi huyệt ngoài đường kinh thường có một số tác dụng đặc biệt riêng của nó. *Khi châm cứu các huyệt ngoài kinh, tùy vị trí từng huyệt mà chọn tư thế người bệnh cho thích hợp, để huyệt lộ ra dễ dàng cho việc châm cứu.

SUYỄN TỨC

Vị trí: Lấy ở huyệt Đại chùy (dưới mỏm gai đốt sống cổ 7) đo ngang ra 1 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ thang, cơ trám, cơ gối đầu, cơ gối cổ, cơ ngang gai, xương sống cổ 7 hay lưng 1. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI và các nhánh của đám rối cổ sâu. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C8.

Tác dụng: Khó thở, hen suyễn, mẫn ngứa.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

 

HOA ĐÀ GIÁP TÍCH

Vị trí: Lấy ở lưng và thắt lưng mỗi bên có 17 huyệt xếp theo hai hàng thẳng từ ngang mỏm gai đốt sống lưng1 đến ngang mỏm gai đốt sống thắt lưng 5, mỗi đầu mỏm gai mỗi đốt sống ngang ra 0,5 tấc là một huyệt.

Giải phẫu: Dưới da từ nông đến sâu có: Từ đốt sống lưng 1 đến đốt sống lưng 5 là cơ thang, từ lưng 1 đến lưng 4 thêm cơ trám, từ lưng 1 đến lưng 3 thêm cơ răng bé sau-trên.

Từ đốt sống lưng 6 đến đốt sống lưng 12 là cơ thang, cơ lưng to, ở đốt sống lưng 11 và 12 thêm cơ răng bé sau-dưới, từ đốt sống thắt lưng 1 đến đốt sống thắt lưng 5 là cân cơ lưng to, ở đốt 1 và 2 thêm cơ răng bé sau-dưới. Dưới lớp cơ sâu là khối cơ rãnh cột sống như cơ gian-gai, cơ bán gai, cơ ngang-gai. Các đốt sống và khoảng gian đốt sống.

Thần kinh vận động cơ là một nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh của đám rối cổ sâu, nhánh của đám rối cánh tay và các nhánh của các rễ thần kinh sống. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh từ D1 đến L4 tùy theo huyệt.

Tác dụng: Ho, suyễn, lao, các bệnh mãn tính.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-15 phút.

Chú ý: Tùy theo bệnh mà mỗi lần có thể chọn châm cứu từ 2-4 huyệt.

Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc chạy dọc theo cột sống.

 

KHÍ SUYỄN

Vị trí: Lấy ở dưới mỏm gai đốt sống lưng 7 (huyệt Chí dương) đo ngang ra 2 tấc, hoặc nối 2 đầu dưới xương bả vai, lấy huyệt ở điểm cách mạch Đốc 2 tấc trên đường này.

Giải phẫu: Dưới da là cơ thang, cơ lưng to, cơ lưng dài, cơ bán gai ngực, cơ ngang-gai, cơ ngang-sườn, cơ gian sườn 6, vào trong là phổi. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh đám rối cánh tay, các nhánh của dây thần kinh sống lưng 7, các nhánh của dây thần kinh gian sườn 7. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D7.

Tác dụng: Hen, suyễn.

Cách châm cứu: Cứu 10-15 phút.

 

TỨ HOA

Vị trí: là hai huyệt Cách du và Đởm du (lấy như huyệt Cách du và Đởm du)

Giải phẫu: như giải phẫu huyệt Cách du và Đởm du.

Tác dụng: Chữa ho lao, hen suyễn, gầy yếu suy nhược.

Cách châm cứu: Cứu 15-60 phút, không châm khi chữa các bệnh trên.

 

KỴ TRÚC MÃ

Vị trí: Dưới mõm gai đốt sống lưng 10 ngang ra 0,5 tấc.

Lấy huyệt dựa vào đốt sống lưng 7 hoặc dựa vào xương sườn cụt xác định đốt sống lưng 10. Từ đầu mỏm gai đốt sống lưng 10 ngang ra 0,5 tấc là huyệt.

Giải phẫu: Dưới da là cơ thang, cơ lưng to, cơ gian gai, cơ bán gai, cơ ngang gai, khoảng gian đốt sống lưng 10. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh đám rối cánh tay, các nhánh của dây sống lưng 10. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D9.

Tác dụng: Chữa các mụn nhọt.

Cách châm cứu: Cứu 15-20 phút.

 

BĨ CĂN

Vị trí: Dựa vào xương sườn cụt số 12 để xác định đốt sống thắt lưng 1. Từ dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng 1 đo ngang ra 3,5 tấc để lấy huyệt.

Giải phẫu: Dưới da là cơ lưng to, cơ răng bé sau-dưới, cơ chậu-sườn thắt lưng, cơ vuông thắt lưng, thận hay lách. Thần kinh vận động cơ là nhánh của đám rối cánh tay và dây sống thắt lưng1. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D 11.

Tác dụng: Chữa chứng gan lách to, đau lưng.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 10-20 phút.

Chú ý: Không châm quá sâu.

 

YÊU NHÃN

Vị trí: Bảo người bệnh giơ cao tay, nghiêng mình đi một chút, chỗ lõm hai bên thắt lưng (tương ứng với đốt sống thắt lưng 4) hiện rõ, lấy huyệt ở giữa đáy lõm từ mỏm gai đốt sống thắt lưng 4 ngang ra 3,8 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là bản gân cơ lưng to, cơ lưng dài, cơ ngang gai, cơ gian mõm ngang, cơ vuông thắt lưng, cơ đái chậu. Thần kinh vận động cơ do nhánh của đám rối cánh tay, dây thần kinh sống lưng 3 và nhánh của đám rối thắt lưng. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4.

Tác dụng:
     - Tại chỗ: Đau thắt lưng, đau bụng dưới.

     - Toàn thân: Sưng tinh hoàn, bệnh phụ khoa, tiêu khát, lao phổi.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1 tấc. Cứu 10-20 phút.

 

TỬ CUNG

Vị trí: - Ở huyệt Trung cực ngang ra 3 tấc (Đại thành)

- Lấy ở giữa huyệt Quy lai và huyệt Phủ xá, cách Trung cực 3 tấc.

Giải phẫu: dưới da là cân cơ chéo to của bụng, cơ chéo bé của bụng, cơ ngang bụng, mạc ngang, phúc mạc, ruột non. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D12 hay L1.

Tác dụng: Chữa kinh nguyệt không đều, phụ nữ lâu không sinh đẻ.

Cách châm cứu: Châm 1-1,5 tấc. Cứu 10-30 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc chạy xuống bộ phận sinh dục ngoài.

 

NANG ĐỀ

Vị trí: - Ở nếp nhăn chữ thập dưới bìu dái (Âm nang) .

- Lấy ở ngay nếp da nối liền hậu môn với bộ phận sinh dục ngoài, ở phía dưới và phía sau bộ phận sinh dục ngoài.

Giải phẫu: Dưới da là cơ hành hang, cơ ngang nông và cơ ngang sâu của đáy chậu trước. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh thẹn trong.Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S3.

Tác dụng: Chữa các bệnh của tạng thận.

Cách châm cứu: Cứu 10-15 phút.